Logo

Ban hành Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP

25/07/2013
Nghị định số 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi) đã chính thức được ban hành ngày 31/12/2010.

Một trong những điểm bổ sung quan trọng nhất của Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi là các quy định liên quan đến sáng chế mật (Chương IIIa). Theo đó, các sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia là sáng chế mật và sẽ được xử lý theo quy trình riêng. Các đơn đăng ký cũng như bằng độc quyền nếu được cấp đối với sáng chế mật sẽ không được công bố và được bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng sáng chế mật, việc chuyển giao quyền nộp đơn, quyền sở hữu sáng chế mật phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sau khi các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) giải mật, các đơn đăng ký sáng chế mật được xử lý như đối với đơn sáng chế thông thường; các bằng độc quyền sáng chế mật/giải pháp hữu ích mật được chuyển đổi thành bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích thông thường, được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế.

Các thủ tục xác định sáng chế mật và giải mật sáng chế; bảo vệ sáng chế mật; thủ tục thẩm định đơn và cấp văn bằng bảo hộ sáng chế mật; quản lý việc sử dụng, chuyển giao quyền đối với sáng chế mật và đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với sáng chế mật ở nước ngoài sẽ được quy định cụ thể trong Thông tư liên tịch  do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh việc bổ sung quy định Chương IIIa về sáng chế mật, Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi còn  bổ sung và sửa đổi một số quy định khác như trao thêm quyền cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý các địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản của địa phương bên cạnh quyền quản lý chỉ dẫn địa lý của địa phương đó; xác định rõ vai trò của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tiến hành nộp đơn đăng ký và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý dùng cho các đặc sản của địa phương. Đây cũng là cơ quan có thẩm quyền cấp phép để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương (theo tiêu chí do Bộ Khoa học và Công nghệ xác định).

Liên quan đến quy định về việc cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN, Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi xác định rõ hơn các trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN, theo đó ngoài trường hợp người được cấp Chứng chỉ hành nghề từ bỏ hoặc không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hành nghề theo quy định của pháp luật, thì Chứng chỉ hành nghề còn có thể bị thu hồi trong trường hợp người được cấp Chứng chỉ bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc xem xét yêu cầu cấp lại Chứng chỉ hành nghề trong trường hợp đã bị thu hồi do bị tước quyền sử dụng chỉ được thực hiện sau khi kết thúc thời hạn bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề.

Đối với việc ghi nhận và xóa tên tổ chức đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN, Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi đã làm rõ hơn các tổ chức  được kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN, bao gồm các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã; các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo pháp luật về khoa học và công nghệ, các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư (nhưng không bao gồm chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài).

(Nguồn: Cục SHTT)

 

Các bài viết khác