Logo

Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính – Cần nhìn cho đúng

03/08/2013
Trước hết, cần khẳng định, tại Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia khác, pháp luật trao cho chủ thể quyền SHTT (chủ sở hữu quyền SHTT hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền SHTT) quyền chủ động trong việc bảo vệ quyền SHTT của mình.

  


LS.Phạm Vũ Khánh Toàn

Ngày 4-5/6/2013, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới tổ chức Hội thảo quốc tế “Sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và thực thi quyền sở hữu trí tuệ: kinh nghiệm của Việt Nam, Lào và Campuchia”. Về vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), nhiều chuyên gia và đại diện của các cơ quan nhà quản lý Nhà nước về SHTT, cơ quan  thực thi quyền SHTT cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh công tác thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT, của người sử dụng và của xã hội, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi các xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhiều bất cập, cần tiếp tục hoàn thiện. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam hiện nay chưa hiệu quả, chưa thực sự trao quyền chủ động cho chủ thể quyền, chưa bảo vệ được quyền SHTT cho chủ thể quyền vì biện pháp hành chính được áp dụng là chủ yếu, biện pháp dân sự rất ít được áp dụng. Vấn đề đặt ra, việc áp dụng biện pháp hành chính trong xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT có thực sự ánh hưởng đến hiệu quả thực thi quyền SHTT, biện pháp này đóng vai trò như thế nào trong thực thi quyền SHTT, việc áp dụng biện pháp này có làm mất đi tính chủ động của chủ thể quyền trong việc bảo vệ quyền SHTT hay không?


Thực thi quyền SHTT – quyền chủ động thuộc về chủ thể quyền SHTT

Trước hết, cần khẳng định, tại Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia khác, pháp luật trao cho chủ thể quyền SHTT (chủ sở hữu quyền SHTT hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền SHTT) quyền chủ động trong việc bảo vệ quyền SHTT của mình. Và cũng cần khẳng định, xuất phát từ đặc tính vô hình của các tài sản trí tuệ và giá trị thương mại to lớn của chúng đối với chủ thể quyền SHTT, đối với sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, quyền SHTT rất dễ bị xâm phạm trên thực tế. Vì vậy, việc đảm bảo thực thi các quy định của pháp luật về quyền SHTT, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT, đảm bảo cân bằng lợi ích của chủ thể quyền và lợi ích xã hội, lợi ích của các bên liên quan luôn là mục tiêu cơ bản của bất kỳ hệ thống pháp luật SHTT nào. Cũng vì vậy, thực thi quyền SHTT luôn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống SHTT. Đây cũng là vấn đề khó nhất trong bảo hộ quyền SHTT, là thách thức mà các quốc gia, kể cả những quốc gia có hệ thống SHTT phát triển cũng phải đối mặt.

Nhận thức đúng tầm quan trọng của việc t
hực thi quyền SHTT trong việc bảo hộ quyền SHTT, trong sự phát triển kinh tế - xã hội và trong tiến trình hội nhập sâu, rộng vào quan hệ kinh tế quốc tế, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp thực thi quyền SHTT. Bên cạnh các quy định trong Luật SHTT và văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản trực tiếp khẳng định chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc tăng cường công tác thực thi quyền SHTT là Chỉ thị số 845/CT-TTg ngày 02/6/2011 về việc tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp; Chỉ thị 36/CT-TTg ngày 31/12/2008 về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan. Như vậy, có thể khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn có chính sách tăng cường bảo hộ quyền SHTT trong đó tập trung đẩy mạnh công tác thực thi quyền SHTT. Chính sách này được thực hiện thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý cho công tác thực thi quyền SHTT, tăng cường năng lực của cơ quan thực thi quyền SHTT và trao quyền chủ động cho chủ thể quyền trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều 9 Luật SHTT khẳng định, tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể hóa quy định này, Điều 198 Luật SHTT quy định, chủ thể quyền SHTT có quyền: (i) áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT; (ii) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; (iii) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của pháp luật; (iv) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam hiện hành, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp tự bảo vệ, chủ thể quyền SHTT có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của pháp luật. Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bao gồm các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

Xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính: nên hay không nên?


Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 211 của Luật SHTT, theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện. Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả phải tuân theo quy định của Luật SHTT và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nói chung, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT nói riêng.  

Các biện pháp hành chính được áp dụng nhằm xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bao gồm: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm và xử phạt hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả. Trong những trường hợp được pháp luật quy định, có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. Mỗi hành vi xâm phạm quyền SHTT, người thực hiện hành vi bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền, trong đó, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi là 500 triệu đồng. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như (i) tịch thu hàng hoá giả mạo về SHTT, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về SHTT; (ii) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hành vi xâm phạm quyền SHTT gồm cơ quan Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an và Ủy ban nhân dân các cấp. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT tại Việt Nam như Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả không có chức năng thực thi quyền SHTT như sự nhầm lẫn của một số doanh nghiệp trên thực tế.  

 

Xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là một trong nét đặc thù của hệ thống thực thi quyền SHTT tại Việt Nam vì tại nhiều nước trên thế giới, pháp luật không quy định áp dụng biện pháp hành chính nhằm xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, ngoại trừ một biện pháp hành chính cũng hết sức đặc thù là biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

 

Về vai trò của biện pháp hành chính trong việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam, hiện nay còn có nhiều quan điểm trái chiều, từ phía chủ thể quyền SHTT cho đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có quan điểm cho rằng, biện pháp hành chính là không hiệu quả, là “hành chính hóa” quan hệ dân sự. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, biện pháp hành chính mang lại hiệu quả thiết thực cho chủ thể quyền SHTT trong việc bảo vệ quyền của mình, vì tính nhanh chóng và chi phí thấp. Thiết nghĩ, để đánh giá được đúng vai trò của biện pháp hành chính trong việc thực thi quyền SHTT, cần xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau.

Về bản chất, biện pháp hành chính sử dụng sức mạnh quyền lực của các cơ quan hành chính thông qua các quyết định hành chính để xử lý các vi phạm hành chính - là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, về lý luận, những hành vi xâm phạm lợi ích tư giữa các cá nhân, tổ chức sẽ được giải quyết bằng biện pháp dân sự. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, các hành vi xâm phạm quyền SHTT chủ yếu được giải quyết bằng biện pháp hành chính. Điều này có thể giải thích bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan. Trước hết là xuất phát từ tâm lý của chủ thể quyền SHTT không muốn tham gia tranh tụng tại tòa án và tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào tòa án. Điều này cũng xuất phát từ những ưu điểm và hạn chế của việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự và bằng biện pháp hành chính ở Việt Nam hiện nay.

Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính trực tiếp hướng tới mục đích đảm bảo sự quản lý của Nhà nước về SHTT, chấm dứt sự xâm phạm quyền SHTT, răn đe và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong tương lai chứ không hướng đến mục đích bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền SHTT. Các khoản tiền phạt được nộp vào ngân sách nhà nước, chủ thể quyền SHTT không được hưởng. So với biện pháp dân sự, thiệt hại của chủ thể quyền SHTT không được đền bù thỏa đáng. Do đó, nếu chủ thể quyền hướng tới việc đòi bồi thường thiệt hại thì biện pháp hành chính sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu này. Mặt khác, vai trò của các cơ quan hành chính có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT không thể thay thế vai trò của các cơ quan tư pháp, do đó, tính răn đe trong việc xử lý hành chính thường là không đủ mạnh và không giải quyết được tận gốc vấn đề tranh chấp. Một số vụ xâm phạm quyền SHTT không thể giải quyết bầng biện pháp hành chính mà phải giải quyết bằng biện pháp dân sự. Ngoài ra, thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính được trao cho nhiều cơ quan chức năng khác nhau, trên thực tế các cơ quan này chưa có sự kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng nên còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo về thẩm quyền. Cũng không thể không nói đến năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi quyền SHTT, vừa ít về số lượng, vừa không được đào tạo chuyên sâu về SHTT để có thể sẵn sàng giải quyết các hành vi xâm phạm quyền SHTT ở mức độ tinh vi, phức tạp. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp cán bộ thực thi quyền SHTT thiếu trách nhiệm, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp.

 

Bên cạnh những hạn chế đó, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là cần thiết và khi được kết hợp một cách hợp lý với các biện pháp dân sự, hình sự sẽ góp phần mang lại hiệu quả cao cho hoạt động thực thi quyền SHTT. Vì thứ nhất, nhanh chóng và chi phí thấp. Trong trường hợp nếu chủ thể quyền hướng tới mục đích chấm dứt nhanh hành vi xâm phạm quyền SHTT của mình mà không yêu cầu bồi thường thiệt hại thì yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là giải pháp tốt. Thứ hai, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính không cao, nhận thức về quyền SHTT còn hạn chế. Trong trường hợp nếu thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT không lớn, hoặc tổng thiệt hại có thể là lớn nhưng hành vi xâm phạm được thực hiện bởi nhiều hộ kinh doanh cá thể hoặc các doanh nghiệp nhỏ thì nếu khởi kiện dân sự, mức bồi thường sẽ không cao, nhiều khi không đủ bù đáp các chi phí tham gia tranh tụng, hoặc/và việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án cũng không dễ dàng. Thứ ba, thủ tục giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại tòa án nhìn chung là kéo dài và phức tạp, tốn kém. Thứ tư, sự quá tải của tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự nói chung, và trong chừng mực nào đó sự thiếu kinh nghiệm xử lý các tranh chấp liên quan tới quyền SHTT, một lĩnh vực khá mới và rất phức tạp cũng có thể đem đến những kết quả không thực sự như chủ thể quyền mong muốn. Ngoài ra, trong biện pháp hành chính, các cơ quan nhà nước được trao quyền chủ động thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật SHTT, điều này sẽ góp phần không nhỏ cho việc thực thi quyền SHTT trong điều kiện phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam còn chưa có ý thức tự bảo vệ quyền SHTT của mình.

 

Khẳng định như vậy không có nghĩa là chúng tôi cổ súy cho việc áp dụng biện pháp hành chính trong việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT. Xét về bản chất, quyền SHTT là quyền dân sự. Việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT trước hết và trực tiếp phải nhằm mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể quyền, khuyến khích hoạt động sáng tạo và bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp của người sử dụng, của xã hội, của nhà nước. Vì vậy, xét về lâu dài, giải quyết các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bởi lẽ, những tranh chấp liên quan đến quyền SHTT thường xảy ra giữa các cá nhân, tổ chức cho nên việc xử lý các tranh chấp đó bằng con đường dân sự là hoàn tòan hợp lý. Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể áp dụng những biện pháp như: (i) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; (ii) Buộc xin lỗi cải chính công khai; (iii) Buộc bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần; (iv) Buộc tiêu hủy hàng hóa phương tiện vi phạm. Ngoài ra, chủ thể quyền SHTT có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện vụ án dân sự về quyền SHTT. Như vậy, thông qua việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án, chủ thể quyền SHTT không chỉ yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền mà còn buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại do hành vi đó gây ra, bao gồm cả thiệt hại vật chất và tinh thần, nếu có.

 

Cũng cần nhấn mạnh, bất cứ một biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT nào, dù là biện pháp hành chính hay dân sự cũng chỉ phát huy được hiệu quả khi được sử dụng đúng đắn, khách quan, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ của chủ thể quyền SHTT mà còn của các bên liên quan, lợi ích của Nhà nước, của xã hội. Do đó, để biện pháp hành chính phát huy được hiệu quả, việc nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ thực thi quyền, nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, giảm bớt sự can thiệp của các cơ quan hành chính vào các tranh chấp thuộc lĩnh vực dân sự, ngăn ngừa sự lạm dụng áp dụng biện pháp này sẽ tránh được việc “hành chính hóa” các quan hệ dân sự. Và cùng với đó, cần đẩy mạnh các điều kiện cần thiết cho việc áp dụng các biện pháp dân sự vì như chúng tôi đã khẳng định, xét về bản chất, quyền SHTT là quyền dân sự, vì vậy, trong tương lai, giải quyết các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự cần được đẩy mạnh hơn nữa. Và nhìn một cách khách quan, các cơ quan thực thi quyền SHTT bao gồm cả tòa án đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Bên cạnh số lượng lớn các vụ xâm phạm quyền SHTT được phát hiện và xử lý bằng biện pháp hành chính, số vụ tranh chấp về quyền SHTT được khởi kiện ra tòa án ngày càng tăng. Mặc dù còn tồn tại những bất cập trong công tác thực thi quyền SHTT nhưng không thể phủ nhận rằng vấn đề thực thi quyền SHTT tại Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh hơn.

 
                                                                                                                                      - LS.Phạm Vũ Khánh Toàn và Lê An (Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh) -

 

Các bài viết khác