Logo

Vụ điều tra chống trợ cấp đối với túi nhựa PE Việt Nam tại Hoa Kỳ và những bài học thực tiễn (Phần 2)

15/07/2013
Vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ tiến hành đối với túi nhựa PE Việt Nam được khởi xướng...

Đây là vụ việc có tác động đặc biệt lớn đến xuất khẩu Việt Nam, ít nhất ở hai khía cạnh. Một là, lần đầu tiên hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với một vụ điều tra chống trợ cấp. Hai là, lần đầu tiên hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với một vụ điều tra đúp (chống bán phá giá và chống trợ cấp). Rất nhiều bài học có thể rút ra từ vụ điều tra chống trợ cấp này về những vấn đề này (Tiếp tục).

 

Bài học thứ ba – Trợ cấp “khôn ngoan”

Là vụ điều tra chống trợ cấp đầu tiên mà hàng hóa Việt Nam phải đối mặt ở Hoa Kỳ, vụ điều tra chống trợ cấp túi nhựa PE có ảnh hưởng lớn đến các vụ việc sau này ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là những kết luận của DOC về từng cáo buộc trợ cấp có thể có giá trị tham khảo và đóng vai trò như những “tiền lệ” cho DOC khi đưa ra kết luận về những cáo buộc trợ cấp tương tự trong những vụ kiện sau này đối với Việt Nam, nếu có. Vì vậy, việc xem xét các kết luận của DOC về vấn đề này là rất quan trong.

 

(i) Về Chương trình hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho ngành nhựa

Theo bên nguyên đơn thì Chính phủ Việt Nam đã thực hiện việc trợ cấp trực tiếp về lãi suất cho vay (mức ưu đãi) cho các nhà sản xuất nhựa thông qua Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) và các ngân hàng thương mại Nhà nước (SOCBs). Bằng chứng rõ ràng nhất được viện dẫn là các Kế hoạch phát triển ngành nhựa của Chính phủ Việt Nam trong đó có nêu các ngân hàng liên quan phối hợp hỗ trợ thực thi kế

hoạch này.

Trong kết luận cuối cùng, API bị áp dụng thông tin sẵn có bất lợi nên biên độ trợ cấp cho chương trình này bị đẩy cao lên (ở mức cao nhất của các bị đơn bắt buộc khác). Fotai do không chứng minh được (bằng chứng từ đầy đủ) về các khoản vay ngắn hạn, và thiếu thống nhất về thông tin giữa các lần xuất trình thông tin nên DOC đã quyết định dùng thông tin thực tế sẵn có bất lợi trong trường hợp này cho Fotai, với biên độ trợ cấp bằng biên độ cao nhất trong các chương trình trợ cấp mà Fotai bị cáo buộc, cụ thể là mức 2.17% (biên độ trợ cấp cho chương trình trợ cấp dưới hình thức hoàn thuế cao đối với nguyên liệu nhập khẩu). Chin Sheng thoát khỏi cáo buộc trợ cấp này do DOC kết luận ngành túi nhựa không nằm trong Kế hoạch phát triển ngành nhựa.

 

(ii) Miễn Thuế sử dụng đất cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa

Bên nguyên đơn cho rằng các doanh nghiệp Nhựa Việt Nam được hưởng trợ cấp từ Chính phủ trong giá thuê đất với tính chất là doanh nghiệp đầu tư vào ngành ưu tiên phát triển. Phía Chính phủ Việt Nam cho rằng các bị đơn liên quan không hề nhận được trợ cấp nào bởi họ phải thanh toán tiền thuế đất như tất cả các trường hợp khác mà không có bất kỳ việc giảm hay miễn thuế nào khi thuê hoặc thuê lại đất.

Tuy vậy, trừ trường hợp của Chin Sheng và API do thuê lại đất của các đơn vị tư nhân kinh doanh khu công nghiệp nên được xem là không có trợ cấp về tiền thuê đất, DOC kết luận rằng Fotai nhận ưu đãi về giá thuê đất và do đó được hưởng trợ cấp do thuê đất trực tiếp từ một đơn vị có vốn Nhà nước và có đủ 3 yếu tố để xác định một khoản trợ cấp có thể bị khiếu kiện.

Trong điều tra cuối cùng, DOC kết luận rằng ngành sản xuất túi nhựa không nằm trong Kế hoạch phát triển ngành nhựa nói chung và rằng chỉ một phần đất của Fotai nằm trong diện “trợ cấp có thể đối kháng” do đó đã tính toán lại biên độ trợ cấp của Chương trình này cho Fotai là 0,71%.

 

(iii) Các Chương trình miễn, giảm thuế thu nhậpdoanh nghiệp

Nguyên đơn cáo buộc 02 Chương trình trợ cấp (trong Đơn kiện và Cáo buộc bổ sung ngày 25/6/2009) là Chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) và Chương trình giảm thuế thu nhập doah nghiệp đối với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp. DOC kết luận rằng API là đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp nhưng trên thực tế trong giai đoạn điều tra không nhận được lợi ích từ các quy định này. Vì thế API được xem là không nhận trợ cấp này. Tuy nhiên do đến giai đoạn điều tra cuối cùng API đã rút ra khỏi vụ điều tra, không cung cấp thông tin và phối hợp thẩm định thông tin nên bị áp biên độ trợ cấp 28% cho chương trình bị cáo buộc trợ cấp này.

Đối với Fotai, DOC kết luận công ty này nhận được trợ cấp theo chương trình Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho FIEs. Mức trợ cấp mà Fotai nhận được từ chương trình này được DOC sơ bộ xác định bằng cách lấy khoản thuế mà Fotai không phải trả chia cho tổng doanh thu bán hàng sang Hoa Kỳ. Biên độ trợ cấp được tính ra cho Fotai là 0,17%. Trong quá trình thẩm tra, DOC phát hiện ra những bằng chứng cho thấy trên thực tế mức độ miễn giảm thuế của Fotai còn cao hơn, vì vậy cơ quan này tính cho Fotai biên độ trợ cấp mới là 0,21%.

Đối với Chin Sheng, DOC kết luận công ty này nhận được trợ cấp theo Chương trình miễn giảm thuế cho doanh ngiệp mới thành lập hoặc mới chuyển địa điểm. (Lưu ý là chương trình trợ cấp này không bị nguyên đơn cáo buộc mà là chương trình DOC tự phát hiện trong quá trình điều tra và pháp luật Hoa Kỳ cho phép DOC làm điều này).

Mức trợ cấp mà Chin Sheng nhận được từ chương trình này được DOC xác định bằng cách lấy khoản thuế mà Chin Sheng không phải trả chia cho tổng doanh thu bán hàng sang Hoa Kỳ. Biên độ trợ cấp được tính ra cho Chin Sheng là 0,51%. Trong điều tra cuối cùng, sự hợp tác tốt của Chin Sheng đã đưa mức trợ cấp mà DOC kết luận cho công ty này xuống mức 0,44%.

 

(iv) Chương trình hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào

Việc miễn/hoàn thuế nhập khẩu cho nguyên liệu đầu vào sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu không phải là đối tượng bị cáo buộc trợ cấp. Tuy nhiên DOC cho rằng nếu mức hoàn thuế nhập khẩu vượt quá mức thuế lẽ ra sẽ thu nếu nguyên liệu đó không sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu thì vẫn bị coi là có trợ cấp.

Trong quá trình thẩm định thực địa, do API không hợp tác nên bị chịu mức biên độ trợ cấp cao nhất cho chương trình này. Chin Sheng thông báo không nhận bất kỳ khoản hoàn thuế nào. Fotai xác nhận có nhận hoàn thuế. Và vì DOC kết luận rằng Chính phủ Việt nam không duy trì một hệ thống kiểm soát để đảm bảo giám sát các nguyên liệu nhập khẩu có đúng là được sử dụng vào việc sản xuất hàng xuất khẩu hay không, rằng Chính phủ Việt Nam chỉ duy trì kiểm soát ngẫu nhiên đối với một số doanh nghiệp và Fotai chưa từng bị kiểm tra như vậy. Do đó DOC đã xác định rằng Fotai có nhận trợ cấp ở Chương trình bị cáo buộc này với mức 2,17%.

Ngoài ra, Fotai còn bị kết luận là có hưởng trợ cấp thông qua Chương trình miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư và thiết bị rời cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp làm tài sản cố định. DOC kết luận biên độ trợ cấp cho trường hợp này là 0,02%.

 

(v) Các Chương trình bị cáo buộc là trợ cấp được DOC kết luận là không tồn tại

 

·          Chương trình miễn thuế VAT đối với trang thiết bị của FIEs

Trong cáo buộc bổ sung nguyên đơn cho rằng việc các FIEs được miễn thuế VAT cho các trang thiết bị nhập khẩu là một loại trợ cấp. Tuy nhiên, DOC đã kết luận rằng đây không phải hình thức trợ cấp do đối tượng thụ hưởng của việc miễn VAT là người tiêu dùng chứ không phải là doanh nghiệp (doanh nghiệp chỉ là đơn vị nộp hộ và do đó không hưởng lợi ích gì từ việc này).

·          Chương trình thưởng xuất khẩu:

Đây là chương trình đã chấm dứt hiệu lực pháp lý ngày 29/6/2007 và lần thưởng xuất khẩu cuối cùng trên thực tế là năm 2006 dựa trên kết quả xuất khẩu năm 2005; vì vậy chương trình này được xem như tồn tại trước mốc chuẩn thời gian tính trợ cấp (11/1/2007) và do đó không bị coi là hình thức trợ cấp có thể bị áp dụng biện pháp chống trợ cấp.

 

(vi) Các Chương trình bị cáo buộc là trợ cấp nhưng DOC kết luận là các Bị đơn không phải đối tượng thụ hưởng

 

·          Việc Chính phủ cung cấp nước cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp:

Nguyên đơn cho rằng các doanh nghiệp bị đơn (tất cả đều ở trong khu công nghiệp) được hưởng mức giá nước rẻ hơn giá nước ngoài khu công nghiệp). Tuy nhiên cả ba bị đơn đều cung cấp được hóa đơn chứng minh mức giá nước mà họ trả trong giai đoạn điều tra bằng với giá nước mà các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp phải trả;

·          Các Chương trình bị cáo buộc là trợ cấp còn lại:

Các Chương trình này đều được chứng minh là được cấp trước ngày cut-off cho Việt Nam (11/1/2007) và vì vậy không bị xem là trợ cấp có thể bị áp dụng biện pháp chống trợ cấp.

 

Về mốc thời gian xác định trợ cấp vi phạm WTO (cut-off date)

Liên quan đến vấn đề này, phía Việt Nam đã đề nghị lấy ngày 11/1/2007, ngày Việt Nam chính thức gia nhập WTO và phải thực thi việc bãi bỏ các trợ cấp bị cấm theo quy định của WTO, làm mốc thời gian để xác định các trợ cấp vi phạm WTO. DOC đã chấp nhận đề xuất này.

Việc Việt Nam đấu tranh thành công để DOC chấp nhận coi ngày 11/1/2007 là ngày mốc để chỉ các trợ cấp sau ngày này mới bị xem là có thể khiếu kiện là một thắng lợi của Việt Nam.

Mốc này đã góp phần loại trừ đa số các cáo buộc trợ cấp của nguyên đơn trong vụ kiện này. Trên thực tế sau thời gian này, Việt Nam bắt đầu thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong khuôn khổ WTO, trong đó có việc loại bỏ các trợ cấp không hợp pháp. Vì vậy đây là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp của chúng ta nếu vướng phải các vụ kiện chống trợ cấp tại Hoa Kỳ trong tương lai.

  

Lưu ý đối với Chính phủ và doanh nghiệp

Đây là lần đầu tiên Việt Nam bị kiện chống trợ cấp. Vì vậy các kết luận của DOC về từng chương trình trợ cấp bị cáo buộc trong vụ việc này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với vụ việc hiện tại mà còn mang tính định hướng các quyết định của DOC trong các vụ việc trong tương lai, nếu có.

Có những chương trình trợ cấp bị DOC kết luận là loại “có thể bị khiếu kiện” và do đó có thể phải chịu biên độ trợ cấp nhưng ở mức rất nhỏ và vì thế nếu trong tình hình “buộc phải trợ cấp” thì chúng ta nên “ưu tiên” hướng tới những trợ cấp dạng này, ví dụ:

 

·          Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề được khuyến khích và cho các doanh nghiệp FDI (biên độ trợ cấp được tính nhỏ hơn 1%);

·          Miễn thuế nhập khẩu và/hoặc thuế VAT đối với máy móc thiết bị nhập khẩu làm tài sản cố định (biên độ trợ cấp nhỏ do đây không phải là trợ cấp liên tục);

 

Một số vấn đề DOC chưa đưa ra kết luận cuối cùng và vì vậy đây là điều đáng tiếc cho phía Việt Nam bởi điều này có nghĩa là trong các vụ điều tra sau này, nếu có, Việt Nam sẽ tiếp tục phải phản biện, đấu tranh để chứng minh chúng không phải là trợ cấp có thể bị khiếu kiện, ví dụ:

 

·          Các kế hoạch phát triển ngành (trong đó có nêu các mục tiêu và giải pháp tài chính sơ bộ để thực hiện mục tiêu): Với kết luận rằng ngành túi nhựa không nằm trong Kế hoạch phát triển ngành nhựa, DOC đã không xem xét vấn đề này nữa và vì vậy bỏ qua vấn đề chính yếu là các Kế hoạch phát triển ngành bản thân chúng có phải là những Chương trình trợ cấp có thể bị khiếu kiện hay không;

 

·          Các Ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước: Với kết luận rằng ngành túi nhựa không nằm trong Kế hoạch phát triển ngành nhựa, DOC đã không xem xét liệu các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước có phải là một chủ thể của Nhà nước, thực hiện việc cấp tín dụng ưu đãi cho Nhà nước theo các Kế hoạch này hay không;

 

·          Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước: Với kết luận rằng Fotai và API áp dụng dữ liệu thực tế sẵn có và Chin Sheng lại thuê đất từ một công ty tư nhân, DOC đã tránh được việc phải đưa kết luận về việc các doanh nghiệp có vốn nhà nước kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp có phải là một chủ thể của Nhà nước hay không và và có thực hiện việc trợ cấp cho các doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp thông qua giá cho thuê đất hay không;

·          Biên độ trợ cấp tối thiểu: Việt Nam tranh cãi với DOC về việc Việt Nam là nước đang phát triển vì vậy lẽ ra mức de minimis phải là 2% (dưới mức này coi như biên độ không đáng kể và do đó không bị áp thuế) thay vì 1% như các nước phát triển.

Tuy nhiên, vì trong kết luận cuối cùng mức thuế của Chin Sheng dưới 1%, mức thuế của Fotai lại cao hơn hẳn (5,28%) và vì thế DOC đã bỏ qua không xem xét vấn đề này (với lý do nếu có xem xét cũng không có ý nghĩa gì).

 

Một số vấn đề khác DOC đã có kết luận bất lợi cho phía Việt Nam và vì vậy trong các vụ việc tiếp theo khả năng lớn là chúng ta sẽ lại vướng phải những nội dung này và sẽ tiếp tục phải đấu tranh (với hy vọng không lớn trừ khi có yếu tố khác biệt lớn trong các vụ việc sau này). Ví dụ:

·          Vấn đề đánh trùng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp cho nước có nền kinh tế phi thị trường: DOC vẫn giữ quan điểm có thể sử dụng phương pháp này;

·          Vấn đề giá cho thuê đất của các doanh nghiệp có vốn nhà nước: DOC đã không thừa nhận Việt Nam có một thị trường đất đai ở Việt Nam và sử dụng một mốc giá thuê đất chuẩn của nước ngoài để thay thế;

·          Vấn đề hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu: DOC không chấp nhận rằng hệ thống giám sát lượng hàng nhập khẩu sử dụng trong sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện tại là phù hợp để kiểm soát hàng nhập khẩu và hàng sử dụng vào sản xuất hàng xuất khẩu./

 

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh

Theo tạp bản tin số 24 tháng 6 năm 2010 – Các vụ kiện thương mại Quốc tế của VCCI

 

Các bài viết khác