Logo

Một số ý kiến về kết quả xem xét đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu số 780110 “e essence & hình” xin bảo hộ tại Việt Nam

19/04/2014

Sau khi thẩm định đơn trên, ngày 20/07/2011 Cục SHTT đã ra thông báo số 2010/28 NTH33 từ chối tạm thời từng phần việc bảo hộ nhãn hiệu nêu trên đối với các sản phẩm nhóm 3 do không có khả năng phân biệt (theo Điều 74.2 a,c của Luật SHTT); và đối với các sản phẩm thuộc nhóm 14 vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “ESSENCE & hình” số 27397 ngày 26/06/1998 cho sản phẩm nhóm 14: đồng hồ các loại, mặt và dây đồng hồ (theo Điều 74.2e của Luật SHTT).

Nội dung vụ việc

 

Ngày 12/04/2002, Công ty Bora Creations S.L. (Tây Ban Nha) đã nộp đơn đăng ký quốc tế số 780110 (ĐKQT) và đến ngày 21/05/2010 xin bảo hộ tại Việt Nam nhãn hiệu    cho các sản phẩm:

Nhóm 3: Mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc tóc.

Nhóm 14: Đồ trang sức giả ngọc.

Nhóm 21: Lược và bàn chải tóc (loại trừ chổi trang điểm)

 

Sau khi thẩm định đơn trên, ngày 20/07/2011 Cục SHTT đã ra thông báo số 2010/28 NTH33 từ chối tạm thời từng phần việc bảo hộ nhãn hiệu nêu trên đối với các sản phẩm nhóm 3 do không có khả năng phân biệt (theo Điều 74.2 a,c của Luật SHTT); và đối với các sản phẩm thuộc nhóm 14 vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “ESSENCE & hình” số 27397 ngày 26/06/1998 cho sản phẩm nhóm 14: đồng hồ các loại, mặt và dây đồng hồ (theo Điều 74.2e của Luật SHTT).

 

Ngày 03/10/2011, chủ đơn thông qua tổ chức đại diện SHTT đã nộp đơn khiếu nại thông báo nêu trên của Cục SHTT với các lập luận chứng minh nhãn hiệu có khả năng phân biệt và đề nghị Cục SHTT rút bỏ thông báo từ chối từng phần nêu trên.

 

Tuy nhiên, ngày 01/08/2012 Cục SHTT đã ra quyết định số 1817/QĐ-SHTT khẳng định vẫn giữ nguyên hiệu lực Thông báo từ chối từng phần số 2010/28 NTH 33. Lý do được nêu lên là: 

 

- Nhãn hiệu chỉ chứa một chữ cái “e” nằm trong hình tròn đơn giản nên không có khả năng phân biệt; phần chữ “essence” có nghĩa “tinh chất, nước hoa hay dầu thơm” mang tính mô tả sản phẩm nên không có khả năng phân biệt với các sản phẩm nhóm 3. Tuy hai phần trên được trình bày nổi bật nhưng độc lập với nhau bởi nằm ở hai dòng riêng biệt và không kết nối với nhau về ý nghĩa, nên tổng thể không có khả năng phân biệt đối với các sản phẩm nhóm này, theo Điều 74 khoản 2.a và c Luật SHTT.

- Nhãn hiệu chứa phần chữ “essence” tương tự với nhãn hiệu đối chứng “ESSENCE & hình” số 27397. Đồng thời các sản phẩm nhóm 14 “đồ trang sức của nhãn hiệu xin đăng ký tương tự với sản phẩm “đồng hồ các loại, dây đồng hồ” của nhãn hiệu đối chứng do có cùng kênh tiêu thụ tại các cửa hàng đồng hồ, cửa hàng trang sức. Do đó nhãn hiệu xin đăng ký tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng, theo Điều 74 khoản 2e Luật SHTT.

 

Ý kiến bình luận

Dựa trên các quy định của Luật SHTT hiện hành, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan đến đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, cũng như Quy chế và thực tiễn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Cục SHTT, xin có một số phân tích như sau:

 

Khả năng phân biệt của nhãn hiệu xin đăng ký đối với các sản phẩm nhóm 3:

Xét về cấu trúc, nhãn hiệu xin đăng ký là một tổng thể gồm chữ “e” nằm trong hình tròn được đặt chính giữa phía trên chữ “essence” được trình bày bằng phông chữ khác các chữ in tiêu chuẩn. Hình tròn bao quanh chữ “e” không phải là hình đơn giản mà gồm các hình tròn đen trắng lồng nhau, nên cả chữ “e” và hình trên tạo nên một dấu hiệu gây ấn tượng, dễ nhận biết và ghi nhớ.

 

Khi đánh giá nhãn hiệu xin đăng ký, do tính sắp xếp có liên kết chặt chẽ như trên thì không thể cắt rời từng thành phần chữ với lý do chúng không nằm cùng hàng với nhau nên độc lập với nhau, mà phải xem nhãn hiệu là một khối thống nhất. Vì vậy, dù “e” chỉ là chữ cái riêng biệt và “essence” có phần mang tính mô tả đối với sản phẩm nhóm 3, thì do sự liên kết trong kết cấu chúng luôn được đọc là “e-essence” - một kết hợp đọc được. Kết hợp các phân tích nêu trên, có thể thấy nhãn hiệu là một tổng thể tạo được sự khác biệt, và dễ được nhận biết và ghi nhớ nên đáp ứng yêu cầu về khả năng phân biệt của một nhãn hiệu quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật SHTT và hướng dẫn tại Mục 39.b Thông tư 01. Do đó, về tổng thể không thể coi nhãn hiệu đăng ký không đáp ứng Điều 74 khoản 2.a,c Luật SHTT đối với các sản phẩm nhóm 3. 

 

Khả năng phân biệt của nhãn hiệu đối với các sản phẩm nhóm 14:

So sánh nhãn hiệu xin đăng ký với nhãn hiệu đối chứng “ESSENCE & hình” số 27397 cho thấy:

 

- Về nội dung nhãn hiệu xin đăng ký cũng chứa chữ “essence” nhưng các phần còn lại khác biệt nhau, nên hai nhãn hiệu không phải là trùng nhau mà chỉ là tương tự nhau .

- Về sản phẩm: Tuy sản phẩm nhóm 14 của nhãn hiệu xin đăng ký là “costume jewelry” tiếng Việt là “đồ trang sức giả ngọc” (hay còn gọi là “đồ mỹ ký”) nằm cùng nhóm 14 với các sản phẩm “đồng hồ các loại, mặt và dây đồng hồ” nhưng chưa thể đương nhiên kết luận chúng là sản phẩm cùng loại hay tương tự (theo quy định của thỏa ước Ni-xơ về phân loại hàng hóa và dịch vụ).

 

Vậy chúng có tương tự nhau do “có cùng kênh tiêu thụ tại các cửa hàng đồng hồ, cửa hàng trang sức” như nêu trong Quyết định 1817/QĐ-SHTT hay không?

Về bản chất, cấu tạo và mục đích sử dụng thì rõ ràng “đồ trang sức giả ngọc” và “đồng hồ các loại, mặt và dây đeo đồng hồ” là khác nhau. Vậy chúng có cùng được bày bán trong các cửa hàng đồng hồ hay cửa hàng trang sức hay không trong thực tế?. Theo quan sát các cửa hàng trong nước và nước ngoài, do tính chất chuyên biệt của các sản phẩm trên nên hầu hết các cửa hàng chuyên bán đồng hồ không cùng bán cả các đồ trang sức và ngược lại các cửa hàng chuyên bán đồ trang sức cũng hầu như không bán sản phẩm đồng hồ và phụ kiện. Còn trong các cửa hàng bách hóa hay trong siêu thị, các loại hàng hóa trên có thể được bày bán nhưng ở các quầy khác nhau hoặc vị trí khác nhau. Điều này có thể nhận thấy rõ ở các cửa hàng chuyên bán đồng hồ hoặc chuyên bán đồ trang sức, cũng như các cửa hàng bách hóa hoặc siêu thị tại Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh hoặc các thành phố lớn trong nước và thậm chí cả ở nước ngoài. Do đó, không thể khẳng định các loại hàng hóa nêu trên là cùng kênh tiêu thụ để kết luận là chúng tương tự nhau theo Mục 39.9 của Thông tư 01.

 

Chỉ trong trường hợp nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu có uy tín và nổi tiếng thì phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đó sẽ không chỉ bao gồm các sản phẩm đồng hồ mà có thể vượt sang các sản phẩm khác kể cả các sản phẩm đồ trang sức các loại, theo quy định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 6 bis của Công ước Paris về bảo hộ SHCN. Các cửa hàng bán đồng hồ mang nhãn hiệu có uy tín và nổi tiếng có thể bán cả các sản phẩm khác do chủ nhãn hiệu sản xuất bao gồm cả đồ trang sức nhằm sử dụng uy tín sẵn có của nhãn hiệu. Tuy nhiên trong trường hợp này, nhãn hiệu đối chứng “ESSENCE & hình” không thuộc trường hợp nêu trên, thậm chí sản phẩm mang nhãn hiệu đối chứng cũng rất ít thấy xuất hiện ở Việt Nam.

 

Như vậy, do nhãn hiệu xin đăng ký và nhãn hiệu đối chứng chỉ tương tự nhau mà không hoàn toàn trùng nhau và chúng được sử dụng cho các hàng hóa không tương tự nhau thì không thể áp dụng Điều 74(2,e) Luật SHTT để từ chối bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nhóm 14.

 

Với các phân tích nêu trên, nhãn hiệu xin đăng ký theo đơn quốc tế 780110 cần được xem xét lại để được chấp nhận bảo hộ cho toàn bộ danh mục sản phẩm do vẫn tạo được khả năng phân biệt đối với các sản phẩm nhóm 3 và nhóm 14, đáp ứng quyền lợi chính đáng của chủ nhãn hiệu xin đăng ký mà không làm tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền lợi của chủ nhãn hiệu đối chứng.

 

Quý vị quan tâm đến bài viết này, xin liên hệ với Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh qua email: hanoi@pham.com.vn

 

TVH

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh

Các bài viết khác