Logo

"Một đồng sợ tốn – Bốn đồng không đủ”

06/08/2013

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp (DN) xem đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam cũng như tại thị trường nước ngoài nơi mà sản phẩm, dịch vụ của DN mình sẽ có mặt, là việc quan trọng, cần làm ngay nhằm tránh những rủi ro, thiệt hại cho DN mình trong tương lai. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ DN còn đắn đo khi quyết định vấn đề này. Lý do của sự đắn đo này là tiết kiệm chi phí. Sự “tiết kiệm” này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà DN chưa thể lường hết.

Ngày nay, nhiều doanh nghiệp (DN) xem đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam cũng như tại thị trường nước ngoài nơi mà sản phẩm, dịch vụ của DN mình sẽ có mặt, là việc quan trọng, cần làm ngay nhằm tránh những rủi ro, thiệt hại cho DN mình trong tương lai. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ DN còn đắn đo khi quyết định vấn đề này. Lý do của sự đắn đo này là tiết kiệm chi phí. Sự “tiết kiệm” này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà DN chưa thể lường hết.

 

Đề cập đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước, nhiều doanh nghiệp mới thành lập có quan niệm rằng cần phải có thời gian xác định xem sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu có được thị trường chấp nhận không rồi mới tính đến chuyện bảo hộ độc quyền vì nếu đăng ký bảo hộ rồi mà sản phẩm, dịch vụ không phát triển được thì rất lãng phí. Song một thực tế không mấy DN lưu tâm là một khi sản phẩm, dịch vụ gắn với nhãn hiệu có được chỗ đứng trên thị trường thì doanh nghiệp còn rất ít cơ hội bảo hộ nhãn hiệu của mình. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thy, Trưởng Phòng Nhãn hiệu - Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng: hiện nay trên 60% nhãn hiệu tra cứu cho kết quả không có khả năng đăng ký vì trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký trước. Đối với trường hợp trùng lắp với nhãn hiệu đã đăng ký thì xem như DN không còn cơ hội, buộc phải thay đổi nhãn hiệu nếu không muốn bị xử lý trong tương lai. Một khi phải thay đổi nhãn hiệu, DN phải trả giá rất đắt về thời gian, công sức cũng như tài chính cho việc thay đổi bảng hiệu, tài liệu, bao bì ... và cả cho việc xây dựng một nhãn hiệu mới. Đối với nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký trước, để được bảo hộ, DN phải xin thư đồng ý cho phép đăng ký của chủ nhãn hiệu đã đăng ký trước. Khả năng xin được thư đồng ý cũng rất thấp, nếu được chấp nhận thì doanh nghiệp cũng phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn. Cũng theo bà Thy, so với chi phí để đăng ký bảo hộ một nhãn hiệu trong nước (khoảng 3.000.000đ/nhãn hiệu), thì chi phí để giải quyết hậu quả của việc không đăng ký là lớn hơn nhiều, có khi gấp vài chục lần mà vẫn không giải quyết được.

 

Tương tự với nhãn hiệu trong nước, rất nhiều nhãn hiệu của DN Việt Nam không được đăng ký ở nước ngoài, mặc dù sản phẩm, dịch vụ đã có mặt ở nước đó. Trao đổi về vấn đề này, nhiều chủ DN thừa nhận là mình có biết, có quan tâm đến việc đăng ký, nhưng vì lệ phí đăng ký ở nước ngoài cao (trên dưới 1.000 USD/nhãn hiệu/quốc gia) nên họ cứ phó mặc cho các đối tác, đại lý ở nước ngoài làm gì thì làm. Tuy nhiên, so với chi phí bỏ ra để đòi lại nhãn hiệu đã bị mất như trường hợp của thuốc lá VINATABA, kẹo dừa BẾN TRE, cà phê BUÔN MA THUỘT ... thì chi phí đăng ký một nhãn hiệu cũng chỉ là con số lẻ.

 

Trong hoạt động kinh doanh, tiết kiệm là cần thiết. Tuy nhiên, tiết kiệm đến cả việc không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của DN mình thì đúng là “một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ”.

 

                                                                                                                (Nguồn: Báo Công an Đà Nẵng phối hợp cùng Chi nhánh VPLS Phạm & Liên danh tại Đà Nẵng)


Các bài viết khác