Logo

Li xăng không tự nguyện (Compulsory Licensing)

15/07/2013
Li xăng không tự nguyện (hoặc li xăng cưỡng bức) là việc chính phủ cho phép người khác sản xuất sản phẩm hoặc áp dụng quy trình được cấp bằng sáng chế mà không có sự đồng ý của chủ sáng chế.
    Việc cấp li xăng không tự nguyện được quy định trong công ước Paris về bảo hộ SHCN, hiệp định TRIPS của WTO và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

I. Các vấn đề chung

          Li xăng không tự nguyện (hoặc li xăng cưỡng bức) là việc chính phủ cho phép người khác sản xuất sản phẩm hoặc áp dụng quy trình được cấp bằng sáng chế mà không có sự đồng ý của chủ sáng chế.

          Việc cấp li xăng không tự nguyện được quy định trong công ước Paris về bảo hộ SHCN, hiệp định TRIPS của WTO và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

 1/ Quy định của Công ước Paris:

          Điều 5A của Công ước Paris quy định mỗi nước thành viên của Công ước có quyền cấp li xăng không tự nguyện nhằm ngăn chặn lạm dụng độc quyền sử dụng patent, ví dụ như không thực hiện việc sử dụng sáng chế.

          Tuy nhiên điều này cũng quy định những hạn chế cho việc cấp li xăng cưỡng bức nhằm chống lại việc lạm dụng trong việc cấp li xăng này cụ thể là:

  • Không được cấp li xăng không tự nguyện với lý do không sử dụng không đầy đủ trước khi kết thúc thời hạn 4 năm kể từ ngày nộp đơn hoặc 3 năm kể từ ngày cấp patent tuỳ thời hạn nào kết thúc muộn hơn.
  • Li xăng không tự nguyện sẽ bị rút bỏ nếu chủ patent chứng minh được việc không sử dụng là vì các lý do chính đáng.
  • Li xăng không tự nguyện chỉ là li xăng không độc quyền và không được chuyển giao kể cả li xăng thứ cấp trừ trường hợp chuyển giao cùng với cơ sở sản xuất hoặc thương mại.

              Quy định trên cũng áp dụng cho mẫu hữu ích ( giải pháp hữu ích- theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam).

      2/ Quy định của TRIPS:

  • Điều 30 của TRIPS ( quy định ngoại lệ đối với các quyền được cấp của sáng chế) cho phép các thành viên có thể quy định một số ngoại lệ đối với quyền được cấp nhưng không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường sáng chế và không làm tổn hại một cách bất hợp lý lợi ích hợp pháp của chủ sáng chế.
  • Điều 31 của TRIPS quy định các yêu cầu đối với nước thành viên phải có các quy định khi cấp một li xăng không tự nguyện để chống lại sự lạm dụng hoặc làm tổn thất bất hợp lý đến lợi ích của chủ và bên thứ 3 hoặc mâu thuẫn với việc khai thác bình thường các sáng chế đó.

     3/ Quy định của Việt Nam:

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi 2009)
  • Nghị định 103/2006/NĐ- CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về Sở hữu công nghệ được sửa đổi theo nghị định 122/2010/NĐ-CP.
  • Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành nghị định 103/2006/NĐ- CP được sửa đổi bổ sung theo thông tư số 13/2010/TT- BKHCN và thông tư số 18/2011/ TT-BKHCN.

     II. Các quy định cụ thể:

    1/ Luật Sở hữu trí tuệ :

              Điều 7(3) Luật Sở hữu trí tuệ quy định chung quyền của Nhà nước có thể “buộc chủ thể quyền trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp”.

              Điều 133 Luật Sở hữu trí tuệ quy định cụ thể quyền được sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước thông qua các Bộ và cơ quan ngang Bộ và quy định mục đích cũng như các lĩnh vực có thể cấp li xăng không tự nguyện. Điều này cũng quy định các điều kiện và phạm vi giới hạn trong việc cấp li xăng không tự nguyện.

              Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nghĩa vụ sử dụng sáng chế của chủ sở hữu sáng chế phải sử dụng sáng chế để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh và các nhu cầu cấp thiết của xã hội. Nếu nghĩa vụ đó không được thực hiện thì cơ quan nhà nước có thầm quyển có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sáng chế.

              Điều 145 (1) Luật Sở hữu trí tuệ quy định các căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, bao gồm:

  • Sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, an ninh, quốc phòng, phòng chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết của xã hội.
  • Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế theo điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sáng chế về ký hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù đã cố gắng thương lượng và ra giá và điều kiện thoả đáng.
  • Người nắm độc quyền sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị pháp luật cấm.

    Khoản 2 Điều này quy định người chủ sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt yêu cầu li xăng không tự nguyện khi căn cứ quy định tại khoản 1 không còn tồn tại.

              Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo li xăng không tự nguyện.

              Khoản 1 quy định việc cơ quan thẩm quyền cấp li xăng không tự nguyện phải đáp ứng các điều kiện:

  • Li xăng phải là dạng không độc quyền.
  • Li xăng được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng nhu cầu đặt ra và chủ yếu cho thị trường trong nước. Đối với sáng chế về bán dẫn thì li xăng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc chỉ nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh.
  • Người được chuyển giao li xăng không được chuyển giao cho người khác trừ trường hợp chuyển nhượng cùng cơ sở kinh doanh và không được cấp li xăng thứ cấp.
  • Người được chuyển giao li xăng phải trả chủ sáng chế một khoản tiền đền bù thỏa đáng, phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

 Khoản 2 quy định các điều kiện liên quan đến li xăng không tự nguyện  đối với các sáng chế cơ bản và sáng chế phụ thuộc

          Điều 147 Luật Sở hữu trí tuệ quy định thẩm quyền về thủ tục cấp li- xăng không tự nguyện. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở xem xét yêu cầu đối với các trường hợp quy định tại điểm b,c và d khoản 1 Điều 145 Luật Sở hữu trí tuệ.

          Bộ và cơ quan ngang Bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình với trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 145 trên cơ sở tham khảo với Bộ Khoa học và Công nghệ.

          Các yêu cầu phải đáp ứng:

  • Quyết định chuyển giao quyền sử dụng phải ấn định phạm vi và điều kiện phù hợp quy định tại Điều 146
  • Cơ quan thẩm quyền phải thông báo ngay cho người nắm độc quyền sáng chế về quyết định trên
  • Quyết định này có thể bị khiếu nại hoặc khiếu kiện theo quy định
  • Chính phủ quy định cụ thể thủ tục chuyển giao quyền sử dụng (cấp li xăng không tự nguyện) theo quy định của Điều 147 này.

     2/ Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi bổ sung theo NĐ/2010/NĐ-CP

              Điều 22 Nghị định 103 khoản 1 xác định các lĩnh vực sáng chế được sử dụng “nhân danh Nhà nước” và do các Bộ và cơ quan ngang Bộ thực hiện hoặc chỉ định tổ chức, cá nhân khác thực hiện.

              Khoản 2 quy định thủ tục ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được thực hiện theo quy định của các bộ quản lý ngành.

              Điều 23 Nghị định 103

  • Khoản 1 quy định Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền ban hành quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế nếu chủ sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế để đáp ứng các nhu cầu an ninh, quốc phòng và cấp thiết của đất nước.
  • Khoản 2 quy định người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không phải thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế nếu sản phẩm nhập khẩu hoặc được sản xuất theo hợp đồng li xăng đã đáp ứng được các nhu cầu an ninh, quốc phòng và cấp thiết của đất nước.

              Điều 24 Nghị định 103, khoản 1 quy định giá đền bù đối với li xăng không tự nguyện trên cơ sở các nguyên tắc:

  • Giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng;
  • Kinh phí tạo ra sáng chế, có xem xét phần kinh phí nhà nước;
  • Lợi nhuận thu được do sử dụng sáng chế;
  • Thời gian hiệu lực còn lại củaVăn bằng;
  • Mức độ cần thiết của li xăng;
  • Các yếu tố khác trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị kinh tế của li xăng.

              Khoản 2 quy định giá đền bù cho chủ sáng chế không vượt quá 5% giá bán tịnh của sản phẩm.

              Khoản 3 quy định cơ quan ra quyết định có thể lập hợp đồng định giá hoặc thẩm định giá đền bù.

              Điều 25 Nghị định 103 quy định hồ sơ và thủ tục cấp li xăng không tự nguyện

              Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về hồ sơ yêu cầu được cấp li xăng không tự nguyện cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 147 Luật Sở hữu trí tuệ, trừ các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dịnh dưỡng cho nhân dân do Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn phụ trách.

     3/ Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN được sử đổi, bổ sung theo theo Thông tư 13/2010/TT-BKHCN và 18/2011/TT-BKHCN

              Điều 50 của Thông tu 01 quy định hồ sơ yêu cầu được cấp li xăng không tự nguyện. Hồ sơ bao gồm:

  • Tờ khai yêu cầu cấp li xăng không tự nguyện;
  • Tài liệu chứng minh căn cứ xác đáng để được cấp li xăng không tự nguyện cho các trường hợp cụ thể;
  • Giấy ủy quyền (nếu qua đại diện)
  • Bản sao chứng từ lệ phí.

              Điều 51 của Thông tư 01: Khoản 1 quy định thủ tục xử lý hồ sơ yêu cầu cấp li xăng không tự nguyện:

  • Hồ sơ thuộc quy định tại điểm b,c và d khoảng 1 Điều 145 Luật Sở hữu trí tuệ được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ.
  • Hồ sơ thuộc quy định tại điểm a Điều 145 Luật Sở hữu trí tuệ được nộp cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực sáng chế đó.

    Khoản 2, 3 và 4 quy định việc thẩm định hồ sơ của cơ quan thẩm quyền và ra các quyết định tương ứng.

              Điều 52 Thông tư 01 quy định về hồ sơ và thủ tục xem xét yêu cầu chấm dứt li xăng không tự nguyện. Hồ sơ bao gồm:

  • Văn bản yêu cầu chấm dứt li xăng không tự nguyện;
  • Tài liệu chứng minh các căn cứ cho việc chấm dưt li xăng;
  • Giấy ủy quyền (nếu thông qua đại diện);
  • Bản sao lệ phí.

     Thủ tục tiếp nhận, xử lý, ra quyết định được thực hiện như đối với yêu cầu cấp li xăng không tự nguyện.

Các bài viết khác