Logo

Đức: Phán quyết của Tòa án Tối cao về sử dụng nhãn hiệu trên biển hiệu và trên sản phẩm trong vụ Hard Rock Cafe ở Heidelberg

30/12/2013
Theo Quyết định ngày 15/8/2013 (Vụ án số IZR 188/11), Tòa án Tối cao CHLB Đức (FSC) ra phán quyết về tranh chấp giữa Công ty Hard Rock Cafe (Nguyên đơn) và một nhà hàng ở Heidelberg (Bị đơn) về việc Bị đơn đã được sử dụng dấu hiệu "Hard Rock Cafe Heidelberg" từ năm 1978

Theo Quyết định ngày 15/8/2013 (Vụ án số IZR 188/11), Tòa án Tối cao CHLB Đức (FSC) ra phán quyết về tranh chấp giữa Công ty Hard Rock Cafe (Nguyên đơn) và một nhà hàng ở Heidelberg (Bị đơn) về việc Bị đơn đã được sử dụng dấu hiệu "Hard Rock Cafe Heidelberg" từ năm 1978. Vào thời điểm đó, chỉ có một nhà hàng chính thức mang tên Hard Rock Cafe tại London. Công ty Hard Rock Cafe không có cơ sở kinh doanh và cũng không sở hữu độc quyền nhãn hiệu tại Đức. Nhà hàng Heidelberg đã copy tên, lô gô, mô hình kinh doanh của Hard Rock Cafe và đã phân phối hàng hoá có gắn lô gô này.

 

Năm 1993, sau khi khai trương nhà hàng Hard Rock Cafe chính thức đầu tiên của mình ở Đức, Công ty Hard Rock Cafe đã đăng ký lô gô của nhà hàng cho nhóm sản phẩm, dịch vụ 25.

 

Quá trình tranh tụng bắt đầu khi Nguyên đơn đã đề nghị được FSC áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Bị đơn. Tuy nhiên, biện pháp này sau đó đã được FSC thu hồi lại. Năm 2008 và 2009, Nguyên đơn một lần nữa lại tiếp tục tiến hành các thủ tục kiện Bị đơn.

 

FSC phán quyết rằng, Bị đơn có thể tiếp tục sử dụng tên công ty "Hard Rock " cho nhà hàng của mình bởi vì Nguyên đơn đã không phản đối việc sử dụng của Bị đơn trong liên tục hơn 14 năm. (Sự khoan dung có chủ ý - knowingly tolerated).

 

Tuy nhiên, FSC cấm Bị đơn sử dụng lô gô gắn trên hàng hoá cụ thể (ví dụ như trên áo phông). Bởi vì, khác với việc tiếp tục sử dụng lô gô như là tên công ty, mỗi lần bán một hàng hoá có gắn lô gô là một hành vi vi phạm, và việc chủ sở hữu nhãn hiệu chưa có động thái khởi kiện hoàn toàn không có nghĩa là hành vi đó có thể được dung thứ trong tương lai.

 

FSC cũng cho rằng, ngoài việc vi phạm nhãn hiệu, việc phân phối hàng hóa có gắn lô gô cũng sẽ cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Bị đơn có cơ sở kinh doanh tại Heidelberg - một địa điểm phổ biến đối với khách du lịch sẽ cố tình làm cho du khách nước ngoài tin rằng, các sản phẩm mang lô gô có nguồn gốc từ Công ty Hard Rock Cafe. Trong trường hợp này, Bị đơn đã cố ý khai thác sự nhầm lẫn của du khách, FSC cho rằng việc làm này là không thích hợp mặc dù Bị đơn bắt đầu phân phối hàng hóa trước Nguyên đơn.

 

Liên quan đến việc sử dụng lô gô cho nhà hàng, FSC đã chuyển lại vụ việc cho tòa án cấp dưới xem xét liệu bị đơn có được sử dụng/ưu tiên sử dụng lô gô trên biển hiệu hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi tòa án cấp dưới kết luận rằng, Bị đơn được phép tiếp tục sử dụng lô gô cho nhà hàng, FSC vẫn cho rằng Bị đơn sẽ vi phạm luật cạnh tranh không lành mạnh nếu trên biển hiệu nhà hàng không thêm dòng chữ làm rõ rằng: “nhà hàng không thuộc về Công ty Hard Rock Cafe”.

 

Quyết định của FSC có thể sẽ giảm bớt các vụ kiện có tính chất tương tự. Toà án sẽ yêu cầu đánh giá một cách cẩn thận riêng rẽ từng hành vi của bên bị nghi ngờ vi phạm. Hơn nữa, việc áp dụng các quy định về cạnh tranh không lành mạnh (cố ý làm sai lệch/ quảng cáo gây nhầm lẫn về nguồn gốc của các sản phẩm và dịch vụ) cùng với luật nhãn hiệu là một cách tiếp cận mới.

 

(Nguồn: Tạp chí INTA 15/12/2013 Vol. 68 No. 23)

Các bài viết khác